Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, 30 năm gắn liền với sự phát triển của Du lịch Việt Nam
Chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của Viện Nghiên cứu phát triển (NCPT) Du lịch luôn gắn liền với lịch sử phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Tập thể Viện NCPT Du lịch qua các thời kỳ đều có thể tự hào về những đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Du lịch nói riêng và cho xã hội nói chung…
Được Bộ VHTTDL, TCDL tin tưởng giao nhiệm vụ
Hoạt động của Viện NCPT Du lịch trong những năm đầu mới thành lập thực sự là những thử thách rất lớn đối với sự phát triển của một Viện nghiên cứu chuyên ngành còn rất non trẻ. Theo tinh thần Nghị quyết 45/CP ngày 22/6/1993 của Chính phủ và Chỉ thị 46/BCH-CT ngày 14/10/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới quản lý và phát triển ngành Du lịch nhằm mục tiêu “Phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 1995-2010 là rất quan trọng và cấp bách. Nhiệm vụ quan trọng này đã được TCDL tin tưởng giao cho Viện NCPT Du lịch thực hiện. Sau gần 1 năm thực hiện, Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 1995-2010 đã hoàn thành để trình Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là lần đầu tiên trong suốt 35 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Du lịch đã có quy hoạch chuyên ngành trên phạm vi toàn quốc.
Với thành công bước đầu đó, Viện NCPT Du lịch tiếp tục được TCDL giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010, trọng tâm xác định rõ quan điểm, mục tiêu phát triển Du lịch Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập toàn diện với khu vực và quốc tế; và ngành Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước; được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 97/2002/QĐ-TTg ngày 22/7/2002.
Nhằm cụ thể hóa các nội dung cơ bản của Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 1995-2010, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo TCDL, Viện NCPT Du lịch đã tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển các vùng du lịch trọng điểm và các trung tâm du lịch. Ngoài ra, Viện cũng đã chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên ngành, các địa phương có liên quan để xây dựng quy hoạch một số địa bàn có tiềm năng du lịch đặc sắc nằm trong không gian một số địa bàn du lịch trọng điểm đã được xác định trong quy hoạch tổng thể…
Phát triển Du lịch Việt Nam từ tầm nhìn chiến lược
Để đáp ứng yêu cầu mới trong giai đoạn phát triển KT-XH của đất nước, Bộ VHTTDL và trực tiếp là TCDL tiếp tục chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Viện NCPT Du lịch xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để Viện tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quy hoạch du lịch cho các vùng du lịch, các khu du lịch quốc gia đã được xác định trong giai đoạn phát triển mới đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…
Bên cạnh đó, Viện NCPT Du lịch còn tích cực tham gia thực hiện nhiều đề án, quy hoạch phát triển KT-XH trên phạm vi cả nước, các địa bàn kinh tế trọng điểm và tham gia thực hiện một số các quy hoạch phát triển du lịch cấp khu vực, góp phần tích cực để Du lịch Việt Nam hội nhập với du lịch khu vực và thế giới.
Có thể nói, sau một thời gian không phải dài trong lịch sử phát triển của ngành Du lịch, từ khi được thành lập đến nay, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của TCDL và bằng sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo và đội ngũ cán bộ nghiên cứu, cùng với sự phối hợp của các đơn vị chức năng trong, ngoài ngành và các địa phương… Viện NCPT Du lịch đã thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cho hai giai đoạn phát triển là giai đoạn 2001-2010 và giai đoạn từ 2011 đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng hệ thống quy hoạch du lịch quốc gia từ quy mô toàn quốc đến các vùng (cũng cho hai giai đoạn phát triển), các trung tâm du lịch, các khu du lịch quốc gia; đồng thời trực tiếp và hỗ trợ xây dựng quy hoạch du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… Đây là những đóng góp quan trọng cho công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về du lịch nói riêng, cho sự phát triển Du lịch Việt Nam nói chung trên phạm vi toàn quốc của Viện NCPT Du lịch.
Song song với đó, Viện NCPT Du lịch còn được giao nhiệm vụ xây dựng đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam” và xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho 7 vùng du lịch. Kết quả nghiên cứu đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, cho các doanh nghiệp du lịch, cho cộng đồng… xây dựng các sản phẩm du lịch cạnh tranh, phù hợp với các điều kiện của mình, và phù hợp với nhu cầu của các thị trường du lịch.
Tập thể cán bộ, chuyên viên của Viện NCPT Du lịch khảo sát tại khu vực Tây Bắc
Tự hào với sự trưởng thành vượt bậc
Trong suốt 30 năm qua, Viện NCPT Du lịch đã chủ trì thực hiện thành công 3 đề tài KHCN độc lập cấp nhà nước, 28 đề tài khoa học cấp bộ, 26 đề tài cấp cơ sở và 8 nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường; tham gia thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ có liên quan. Đây là một thành tích đáng ghi nhận đối với một viện nghiên cứu chuyên ngành, trong điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn. Các đề tài KHCN do Viện chủ trì thực hiện đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề không chỉ mang tính lý luận, mà còn mang tính thực tiễn trong nhiều lĩnh vực của công tác quản lý nhà nước về du lịch.
Đặc biệt, kết quả nghiên cứu của nhiều đề tài khoa học là tài liệu tham khảo và là căn cứ khoa học quan trọng trong việc xây dựng Luật Du lịch, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Du lịch; xây dựng các chính sách liên quan đến phát triển thị trường và sản phẩm du lịch, đến phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam trong mối quan hệ với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và phát triển cộng đồng…
Bên cạnh đó, Viện NCPT Du lịch còn chú trọng đến việc phát triển đội ngũ cán bộ chuyên môn có trình độ để đáp ứng yêu cầu ngày một cao của công tác nghiên cứu. Hiện nay, đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Viện có 4 tiến sỹ, 13 thạc sỹ, trong đó có nhiều cán bộ đã được trưởng thành từ chính môi trường NCKH của Viện.
Nhìn lại chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, tập thể Viện NCPT Du lịch qua các thời kỳ đều có thể tự hào về những đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Du lịch nói riêng và cho xã hội nói chung. Với những gì đã đạt được và những bài học kinh nghiệm rút ra, chắc chắn Viện NCPT Du lịch sẽ tiếp tục phát triển nhanh và vững chắc để trở thành một tập thể khoa học mạnh, xứng đáng hơn với niềm tin của toàn ngành và xã hội và sẽ có nhiều đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển Du lịch Việt Nam để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Đỗ Văn Vinh
Gửi bình luận