Tiếng chày giã gạo nuôi quân
Trước khi cố nhạc sĩ (NS) Xuân Hồng viết bài ca “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” (1966), tập quán giã gạo của đồng bào S’tiêng vốn là công việc của phụ nữ. Ban ngày họ lên rẫy, đêm về đốt đuốc giã gạo, giã ngày nào ăn ngày đó. Còn đàn ông đêm về chỉ việc vui chơi, uống rượu. Nhưng kể từ sau Tiếng chày trên sóc Bom Bo ra đời thì một phần tập tục trong đời sống sinh hoạt của bà con dần thay đổi, đưa sóc Bom Bo ngày nào còn ít người biết đến trở thành anh hùng.
Khu bảo tồn văn hoá dân tôc S'Tiêng ở sóc Bom Bo
Những đổi thay trên sóc Bombo
Năm 2011, khi nghe tin dự án khu bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo ở xã Bình Minh, Bù Đăng, tỉnh Bình Phước khởi công, đồng bào S’tiêng vui mừng không tả xiết. Kể từ khi sóc Bom Bo được nhà nước trao tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang (1976) thì cho đến thời điểm đó, đây là niềm vui lớn nhất mà họ chờ đợi. Dự án có diện tích 113ha, kinh phí đầu tư gần 200 tỷ đồng. Các hạng mục chính của dự án được đánh giá cao bởi tính nhân văn, như phục dựng lại nhà dài, khu làng nghề, tái định cư cho khoảng 60 hộ bà con S’tiêng và có cả hạng mục trồng lại rau rừng… Ngoài ra, dự án còn có tham vọng phục dựng lại nguyên mẫu sóc Bom Bo như trong bài ca “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, nhằm đưa địa danh lịch sử sóc Bom Bo đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước.
Bằng chứng là ngay sau đó một con đường nhựa dài gần 2km từ ngoài đi vào trung tâm sóc đã được trải nhựa, uốn lượn qua những vườn cà phê, vườn điều xanh mướt, cùng với đó là những ngôi nhà gạch mới xây thay cho những căn nhà sàn đơn sơ ngày trước. Bom Bo hiện nay có 377 hộ, trong đó có gần 200 hộ đồng bào S’tiêng. Buổi tối ở Bom Bo không còn nghe tiếng chày giã gạo, cũng không còn ánh đuốc lồ ô bập bùng, thay vào đó là ánh sáng của điện lưới quốc gia. Mấy năm nay những dự án hạ tầng cơ sở đã về tới nông thôn, cùng với xu hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thay đổi phương thức sản xuất làm cho cuộc sống của bà con nơi đây dần thay đổi. Có thể nói sóc Bom Bo giờ đây đã thay đổi theo hướng văn minh, giàu có hơn nhiều so với khoảng chục năm trước.
Theo anh Điểu Cóc, HDV khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng, đồng bào S’tiêng ở sóc luôn giữ một sắc thái văn hoá truyền thống riêng, từ những nghệ thuật dân ca truyền thống, đồ dùng trang sức cho đến các dụng cụ săn bắn, công cụ sản xuất phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày. Kể từ khi triển khai dự án khu bảo tồn Văn hóa dân tộc S’Tiêng, sóc Bom Bo đã được phục dựng lại gần nguyên mẫu, từ đó trở thành điểm di tích lịch sử văn hóa có ý nghĩa không chỉ đối với bà con dân tộc mà còn là niềm tự hào, góp phần giữ gìn truyền thống cách mạng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế du lịch tỉnh Bình Phước.
Những kí ức một thời hào hùng của thôn, sóc vào những năm tháng khốc liệt của chiến tranh dường như sống dậy trong mỗi bà con đồng bào. Họ sinh ra và lớn trong một gia đình S’tiêng giàu truyền thống, cha ông đi theo cách mạng đánh Pháp, đuổi Mỹ. Đến thế hệ hậu sanh như anh Điểu Cóc lớn lên trên mảnh đất Bom Bo, cũng như bao người con của buôn làng hàng ngày vẫn ra sức sưu tầm những hiện vật gắn liền với Bom Bo, những câu chuyện về tấm gương con người làm rạng danh mảnh đất này. Người con tiêu biểu của sóc Bom Bo ngày nay phải kể đến là già làng Điểu Lên, gia đình ông vẫn giữ được nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần... cùng những tinh hoa chắt ra từ cuộc sống lao động của bao thế hệ bà con nơi đây. Ông cùng với bà con tạo nên một diện mạo mới, biến khu bảo tồn thành một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhưng vẫn giữ được cái hay, cái đẹp của văn hóa truyền thống như múa cồng chiêng, cúng mừng lúa mới...
Già làng S’tiêng phá lệ, đưa sóc Bom Bo đi vào huyền thoại
Năm 1965, quân giải phóng mở chiến dịch Đồng Xoài. Một số đơn vị bộ đội chủ lực thiếu gạo, thấy vậy già làng S’tiêng khi đó phá lệ, kêu gọi cả sóc giã gạo nuôi quân. Theo tập quán của đồng bào S’tiêng, trước khi già làng ra lời kêu gọi, giã gạo vốn là việc của phụ nữ, ban ngày lên rẫy, đêm về đốt đuốc lồ ô giã gạo, giã ngày nào ăn ngày đó.
Già làng Điểu Lên ở sóc Bom Bo
Trong không khí khẩn trương, bên ánh đuốc bập bùng, tiếng chày giã gạo đến tận thâu đêm, gợi lên nguồn cảm xúc để cố NS. Xuân Hồng viết nên bài ca Tiếng chày trên sóc Bom Bo. Một sáng tác vượt cả không gian, thời gian, đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc, vang danh trên cả nước. Cũng chính bài ca này đã khiến cho nhiều người thuộc thế hệ “đầu bạc” lẫn “đầu xanh”, người chưa hoặc từng bước ra trong khói lửa chiến tranh, sau giải phóng lần tìm về sóc Bom Bo, tìm về nơi có ánh lửa bập bùng với tiếng chày khua cắc cum cum cùm cum… một âm thanh chân chất nghĩa tình và giàu lòng yêu nước. Trong đó có những ca từ mà cố NS. Xuân Hồng ngày trước tiên đoán “… Người đi xa vắng rồi sẽ có ngày/ về đường này thăm sóc Bom Bo”, nay đã trở thành sự thật.
Cao Phương
Gửi bình luận