Thăm Quảng Châu – nhớ Bác
(Tiếp theo số 48 và hết)
Những ngày đầu khi đến Quảng Châu, Bác ở trong trụ sở của phái đoàn cố vấn Liên Xô. Nhưng sau khi liên lạc được với những chí sĩ, những thanh niên Việt Nam, Bác về ở chung với nhóm, với bí danh Vương, Bác đã lập ra Cộng sản đoàn và từ đó lập ra Hội “Việt Nam Cách mạng Thanh niên”, dịch theo âm Trung Quốc là “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” đặt trụ sở ở 13 và 13.1 (13B) nay là 248-250 đường Văn Minh, một ngôi nhà 3 tầng nằm trên con đường nhỏ yên tĩnh chạy song song với dòng sông Châu. Tại đây, Bác đã mở được ba khóa huấn luyện cho gần 30 cán bộ chủ chốt của cách mạng Việt Nam.
Phượng Hoàng cổ trấn
Có thể nói đây là cái nôi, là nơi tập họp và đào tạo nên những người lãnh đạo cách mạng đầu tiên của Việt Nam như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Phan Trọng Bình, Lê Thiết Hùng… Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội từ đây lan tỏa về Việt Nam, có cơ sở ở khắp ba miền Trung, Nam, Bắc và cả trong lực lượng Việt kiều ở Thái Lan. Hội có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế Cộng sản. Bác cũng chọn lọc những người ưu tú để cử đi học Đại học Phương Đông Liên Xô và vào học Trường quân sự Hoàng Phố (do Chu Ân Lai và Diệp Kiếm Anh phụ trách) nhằm chuẩn bị lực lượng nòng cốt cho Đảng và cho công tác quân sự sau này như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Bùi Công Trừng, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Sơn, Lê Quảng Đạt, Lê Thiết Hùng… Cũng tại đây, Bác cho ra đời tờ báo “Thanh Niên”, mỗi tuần ra một số bằng cách in Ronéo, trên trang nhất luôn có hình ngôi sao năm cánh bên cạnh tít báo bằng chữ Việt và chữ Hán. Số báo đầu tiên ra ngày 21 tháng 6 năm 1925 và ra được 88 số. Báo Thanh Niên chính là tiền thân sớm nhất của báo chí cách mạng Việt Nam ngày nay lấy ngày 21 tháng 6 làm ngày báo chí Việt Nam cũng bắt nguồn từ đây. Bác đã tập hợp các bài giảng cho các lớp học và các bài báo để tu chỉnh thành cuốn sách giáo khoa cách mạng đầu tiên mang tên “Đường Kách Mệnh” (Đường Cách mạng). Năm 1927, sách được xuất bản công khai. Cũng tại Quảng Châu, Người đã vận động thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức gồm các nước Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Indonesia và Myanmar. Bác là người viết tuyên ngôn, trong đó có câu: “Chúng ta nên sớm đoàn kết lại, hãy hợp lực để đòi quyền lợi và tự do của chúng ta! Hãy hợp lực để cứu lấy nòi giống của chúng ta”. Chính từ các hoạt động này đã giúp Bác nhanh chóng quyết định hợp nhất các tổ chức Đảng ở Việt Nam, để ngày 3 tháng 2 năm 1930 (tức ngày 6 tháng 1 âm lịch) thành lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam, chính đảng đầu tiên của cách mạng Việt Nam.
Quảng Châu là cái nôi của Cách mạng Việt Nam, là mảnh đất để Bác ươm những hạt giống đỏ cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Giáo sư Trung Quốc Hoàng Tranh còn nói rằng: “Trung Quốc có tất cả 33 tỉnh, Bác Hồ Chí Minh đã ở và đến làm việc 21 tỉnh và cộng lại có đến 10 năm. Nhưng Quảng Châu là nơi đầu tiên Người hoạt động và có nhiều kỷ niệm, tạo nên dấu ấn nhất không phải chỉ cho cách mạng Việt Nam mà còn tham gia phong trào xây dựng Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Chính Bác Hồ cũng đã viết: “Trong hai thời kỳ, tôi có vinh dự hoạt động trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đến Quảng Châu hồi năm 1924-1927, tôi vừa theo dõi phong trào cách mạng trong nước ta, vừa tham gia công việc do Đảng Cộng sản Trung Quốc giao phó”.
Quảng Châu có thể có nhiều nơi Bác đã đến, đã ở, như cơ sở 2 của lớp học ở phố Hưng Nhân, Đông Cao, như nhà hàng ông Bào ở Quảng trường Đông Hiệu là nơi Bác ở khá lâu sau ngôi nhà số 13 đường Văn Minh.
Một góc khu phố ở Quảng Châu
Đã 95 năm trôi qua, ngôi nhà số 13 đường Văn Minh, trường đào tạo hạt giống đỏ Việt Nam vẫn còn, nó được Trung Quốc công nhận là di tích cách mạng cấp quốc gia, là điểm đến tham quan cho nhiều du khách.
Tôi đã dành trọn buổi sáng để thăm công viên Hoàng Hoa Cương, nơi có mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Ở đây có khu lăng mộ chôn chung 71 liệt sĩ Trung Quốc hy sinh trong cách mạng Tân Hội và gần đó là mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái, người đã tạo nên “Quả bom” cách mạng làm rung chuyển chế độ thống trị Việt Nam ngày đó và khơi dậy lòng yêu nước trong lớp Thanh niên Việt Nam. Bác Hồ đã đến đây cùng các chí sĩ Việt Nam nghiêng mình trước mộ Phạm Hồng Thái.
Tôi đã đến căn nhà số 13 đường Văn Minh, ngôi nhà vẫn còn giữ nguyên như 100 năm trước, những bàn ghế của lớp học, phòng hội họp của Hội Thanh niên cách mạng Việt Nam những bậc tiền bối nước ta. Bác ngày đó đã đứng ở chỗ kia để giảng bài, đã ngồi ghế giữa để chủ trì các cuộc họp. Tại đây, khi phái viên của Quốc tế Cộng sản Jacques Doriot đến thăm và kiểm tra, Bác đã cử người thanh niên ưu tú Phạm Văn Đồng (sau này là Thủ tướng Việt Nam) đọc diễn văn chào mừng bằng tiếng Pháp. Căn nhà bên là nơi ăn ở của các học viên và Bác cũng ở chung với mọi người, sinh hoạt với mọi người. Để có thêm tiền hoạt động, Bác phải làm thêm ngoài giờ như thông dịch, đánh máy thuê, có lúc phải đi bán báo, bán thuốc lá trên đường phố Quảng Châu.
Tôi đứng bên bờ Châu Giang lộng gió khi hoàng hôn xuống nhìn những cây cầu dây văng, nhìn những con tàu du lịch lấp lánh ánh đèn đưa khách thong thả soi mình xuống dòng sông mà chợt nghĩ tới con tàu của Liên Xô ngày 11 tháng 11 chín mươi lăm năm về trước đã giương cờ Liên Xô cập bến Quảng Châu, trên con tàu đó có Bác. Tôi như thấy Phạm Hồng Thái vẫn hiển linh đâu đây, và bên bờ sông này Bác của chúng ta chắc đã nhiều đêm từ căn nhà phố Văn Minh đã ra đây, đi dạo bên bờ sông này để nghĩ về tương lai đất nước. Tôi trộm nghĩ có người bạn gái nào song hành dạo bước với Bác bên bờ sông này không? Hay Bác đang thầm nghĩ về tình yêu đầu đời ở Bến Nhà Rồng 13 năm trước… Phải, tình yêu của tuổi 35 đang dâng đầy trong Bác, hun đúc thành tình yêu to lớn với quê hương, với đất nước. Tình yêu đó là ngọn lửa truyền vào hàng chục những người con ưu tú dự lớp học của Thanh niên Cách mạng để sau này trở thành những lãnh tụ, những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta. Vật đổi sao dời, thế giới dù biến đổi, con người có thể đổi trắng thay đen nhưng những kỷ niệm ở đây về Bác, về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc là vĩnh cửu.
Tháng 5 năm 2019
Ký của Trình Quang Phú
Gửi bình luận