Tản mạn xuyên Việt
Tránh “thiệt hại” cho các chiến hữu Sài Gòn, sáu anh lính già từ miền Tây chạy thẳng sang Tây Ninh thưởng thức bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Giời ạ, thịt ba chỉ dăm miếng, ngót nghét chét rau các loại, gói trọn trong miếng bánh tráng thành một cuộn to như bắp tay võ sĩ thể hình, cứ thế chấm vào bát mắm nêm để ăn…
Cơm no rượu say xong, nghe bảo xứ này đã đến thì hãy lên núi Bà Đen để thắp hương viếng Bà. Sáu anh em cũng sắm chút lễ vật lên núi Bà Đen. Cả đoàn thành kính là chính.
Rời núi Bà Đen, ông Phạm Tuấn có ý bỏ đoàn chạy sang tìm hiểu đạo Cao Đài nên rủ rê anh em thăm tòa thánh thất. Thánh thất Cao Đài Hòa Hảo rộng tương đương một thị xã, đủ cả trường học, trạm y tế, vườn hoa, đường sá trải nhựa trông rất đẹp. Vốn tính tò mò, mình cũng ngó qua xem đạo này thế nào mà có tới bốn triệu tín đồ trên khắp thế giới.
Hóa ra, tôn giáo nào cũng có cái lý của nó, xuất phát điểm là ông Ngô Minh Châu nghiên cứu môn bút cơ (kiểu như bảng cầu cơ bên châu Âu), có thể gọi ông là môn đồ sáng lập đạo Cao Đài. Theo tên gọi đầy đủ là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát, tiêu chí là tam kỳ phổ độ (phổ độ chúng sinh lần thứ ba).
Cao Đài là một đạo rất trẻ, mãi 1926, sau khi ông Chiêu không chịu nhận chức đạo trưởng, ông Phạm Công Tắc được hội đồng tối cao đạo Cao Đài tấn phong chức danh hộ pháp và tổ chức đại lễ lần thứ Nhất tại Tây Ninh, đại hội ra tuyên cáo thành lập gửi Thống đốc Nam Kỳ... Tòa thánh thất Tây Ninh vẫn được coi là đất hành hương của mọi tín đồ Cao Đài trên khắp thế giới.
Tây Ninh còn nhiều điểm đến thú vị như Ma Thiên Lãnh hoặc giả như anh chị nào yêu Mặt trận giải phóng dân tộc thì ghé thăm bản doanh Trung ương cục Miền Nam với nhiều hiện vật trưng bày. Đường lang thang còn dài, vui mấy rồi cũng phải đi. Từ Tây Ninh, xuyên qua Bình Phước bằng đường tỉnh lộ ngoằn ngoèo rợp bóng cao su.
Rừng rú, núi non, nhưng Bình Phước thuộc đất Đông Nam bộ, rất nhiều thác nước song mức độ hùng vĩ phải nhường chỗ cho Tây Nguyên.
***
Lâm Đồng, mảnh đất mà bước chân tôi in dấu khắp nơi, từ Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà đến Lán Tranh... Thế mà mỗi lần quay lại, lòng vẫn nao nao hồi hộp như năm xưa. Bảo Lộc, xứ tằm tơ nay là xứ trà mà tôi hay đùa gọi là trà bờ rào (B’lao). Nói thế chứ rừng Madagui hoang dã và đẹp mê hồn. Riêng thác DamB’ri, thác lớn nhất Lâm Đồng được bảo tồn khá hài hòa, giữa thiên nhiên và các công trình nhân tạo hòa lẫn, vẫn hoang dã mà hiện đại, tạo cho du khách khám phá thiên nhiên rất là tiện.
Ngược lên cao nguyên thêm 80km, chúng ta đến thành phố huyền thoại của hoa, của tình yêu, của sương mù, rừng thông, biệt thự kiểu Pháp và những ngôi nhà đầy bí ẩn - Đà Lạt.
Chớm đèo Pren, phía trên thác khoảng 2km, bên trái đường lên đèo là miếu Hai Cô, tương truyền, hai cô rất thiêng, cánh tài xế qua đây đều kính cẩn hương khói mong cô phù hộ trên những nẻo đường quanh co phủ kín sương mù.
Xe lướt trong bảng lảng khói mây, nghe vọng thoáng xa tiếng chuông Thiền Viện Trúc Lâm.
Đến nơi, may sao, sáu anh lính già được ông “chiến hữu” từ thời cùng nhau xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước có cái biệt thự bên hồ Tuyền Lâm chưa cho ai thuê, thế là sáu anh em được lời mời lao luôn vào chiếm cứ như chiếm cao điểm năm xưa, quá cẩn thận, chủ nhà còn để sẵn ba mươi cân rượu ngon cho các “đồng chí” ăn vạ.
Xe chạy đường dài quá hay sao không biết, đến Đà Lạt nó cũng nghỉ dưỡng luôn, may? Không may? Tất cả cũng như truyện cổ Tái ông thất mã, trong may có rủi, trong rủi lại có may.
Mỗi lần đến Đà Lạt, tôi cũng như muôn vàn người khác, vội vã xem, vội vã ăn, vội vã lướt qua vài chỗ để rồi về quê “chém gió” rằng mình biết tuốt tuồn tuột rồi mà thực ra đã biết gì đâu!
Mười lăm ngày ở biệt thự cao cấp, mười lăm ngày tự nấu ăn, mười lăm ngày say túy lúy, mười lăm ngày mượn cái Tucson (ô tô) của chú em lang thang tìm hiểu, chúng tôi mới tạm cho rằng mình biết thế nào là hoa, thế nào là chuyện tình chàng Lang và nàng Biang, thế nào là ma rừng xứ lạ, tìm và hiểu một chút về người đàn bà luyện thanh bằng rượu và thuốc lá để đêm đêm hát nhạc Trịnh trong quán Cung đàn xưa. Biết thêm một chút về Bảo Đại – vị vua cuối cùng của Việt Nam.
Tiếc thương cho chuyện tình bi thảm của cô sơn nữ với chàng sỹ quan võ bị Đà Lạt mà hôm nay, cô lại lạnh lẽo cô đơn vì mộ chàng đã cải táng cố hương.
Tôi nhớ Đà Lạt mơ, ru lòng người lữ thứ với bao nhiêu ước mơ
Lưu luyến Đà Lạt thơ, khi hoa anh đào nở đường lên phố xưa…
Rời Đà Lạt, sáu anh em thăm Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, mỗi nơi một chút. Riêng Đắk Nông, cho đến giờ vẫn chưa có duyên khám phá…
Hà Nội, vật vã trở về rồi lại vật vã ra đi... chúng tôi đã lang thang 5.959km trong một tháng, không biết rồi đây, sức khỏe, điều kiện còn cho phép chúng tôi đi nữa hay không, bảy mươi tuổi kể ra cũng xưa nay hiếm rồi...!
Hết!
Lê Minh
P/s: Chuyện của tôi không nhằm quảng cáo du lịch, viết chỉ để tri ân đồng đội, viết để cho ai chưa hoặc không có điều kiện lên đường lang thang biết thêm một chút chuyện lạ đó đây
Gửi bình luận