Tản mạn xuyên Việt
Rời Nha Trang lòng vẫn nuối tiếc tình người và đất, song lịch trình chuyến lang thang còn dài, phải dứt áo tạm biệt Nha Trang thôi, phía trước, những vùng đất mới, những con người mới và nhất là những món ăn mới…
Ninh Thuận, Bình Thuận
Sáu ông lính cụ, mỗi ông một kiểu, chả ông nào giống ông nào, “bọ” Tuấn ngủ nghiến răng kèn kẹt, có lẽ răng nó đặc chế từ titanium nên mới bền đến độ nhai xương rau ráu.
Ông Minh “già” (gọi thế là vì tóc bạc từ lúc nhập ngũ) lại có thói dậy sớm, ba giờ sáng hắn đã dậy pha trà, rít thuốc lào sòng sọc. Lão Minh “rừng” có lẽ kiếp trước làm lâm tặc, cứ đặt mình xuống là lão xẻ gỗ ầm ầm nên bị đuổi phòng liên tục, lúc cùng buồng Tuấn, lúc sang Minh già. Còn cái thằng cha Vinh “phẹt” lúc nào cũng đủng đỉnh mặc kệ ai vội cứ vội.
Hỗ lúc nào cũng bóng lộn, thơm lừng nhưng không biết uống rượu, thông cảm thôi, thời trẻ không chơi, già nuối tiếc nên hắn lúc nào cũng như sắp nhảy danspot. Có mỗi Tiến “què” (bị địch bắn vào chân) có vẻ ít tật nhất, chỉ được mỗi cái hay rượu, dù uống bao nhiêu vẫn cười, không nhố nhăng bao giờ, có lẽ anh em quý hắn ở điểm này chăng? Đại khái thế, viết những dòng này vì muốn đi lang thang xuyên Việt chắc chắn phải biết tính nhau, nhường nhịn nhau thì mới đi với nhau hàng tháng trời được.
Hơn hai tiếng chạy theo Quốc lộ 1, chúng tôi đến Cà Ná, ngay cạnh đường, biển rất đẹp, nhưng không ai dám tắm, đá lô nhô khắp nơi trên mặt biển, sóng từng đợt tiếp nhau tràn qua, không lời nào tả hết được cái đẹp hùng vĩ nơi đây.
Rời Cà Ná, chạy theo đường ven biển mới làm, đường tốt, lại sát biển, nhớ rẽ vào làng nho Ninh Hải nhé, Phạm Tuấn có mua mảnh vườn mấy mét vuông nên mình chụp được cái ảnh hắn đang chăm sóc đâu ba hay bốn cây nho của hắn góp phần vào khu du lịch Làng nho Ninh Hải thì phải. Hai tỉnh này cảnh quan cũng ít bị tác động của con người nhưng khí hậu vô cùng khắc nghiệt, cát nóng, gió nóng, hạn hán thường xuyên nên trong những chuyến xuyên Việt, chúng tôi ít khi nghỉ lại.
Xưa, cách gần 20 năm, Mũi Né là miền đất đẹp, đã có chiều bên bãi biển làng chài, Nghiêm Nguyên và tôi thưởng thức đặc sản ngư dân mới cặp bờ tươi giãy đành đạch, nay thì hết rồi! Giao thông tuyệt vời, đường rộng, vắng, đẹp, dọc đường thi thoảng trời ném vu vơ mấy hòn đá thật sự độc đáo...!
Thôi, về Phan Thiết, uống dăm ly rượu, tráng miệng vài miếng thanh long ruột đỏ rồi tiếp tục tiến về Sài Gòn kẻo mấy chiến hữu đang ngồi bên mâm rượu nó chờ...!
Một góc Cà Ná
Về miền Tây
Sau ba ngày nghỉ vật vã vì rượu đất Sài Gòn với mấy người bạn, mỗi trận uống dăm lít biệt tửu rồi còn gọi thêm đôi ba két bia Sipây-sồ (Special) uống cho đỡ khát. Tạm biệt các chiến hữu, chúng tôi lại lang thang thôi.
Sáng sớm hôm sau, sáu ông “tướng “ tự phong mở bản đồ bàn bạc lần cuối, thống nhất phương án lang thang miền Tây. Nam bộ gọi hai phần Đông và Tây chả có căn cứ gì, chẳng theo hướng từ Đông sang Tây mà cũng chẳng theo vị trí địa lý phương hướng nào. Tất tần tật các tỉnh phía dưới Sài Gòn, bắt đầu từ Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang. Tóm lại, mười hai tỉnh đều thuộc miền Tây. Dân Nam bộ xưa gọi miền lục tỉnh thì lại càng rối rắm. Lục tỉnh chẳng ra Đông mà cũng chẳng phải Tây. Nó bao gồm miền Tây bây giờ thêm một phần nữa của trấn Biên Hòa.
Từ Sài Gòn, chúng tôi chạy một mạch xuống Đồng Tháp cho kịp ngửi hương sen. Sen thì đầy, nên các thành phố như Sa Đéc, Cao Lãnh... chỗ nào cũng sen, sen trong vườn hoa, sen kín mương nước, sen lên ban công, sen phủ đầy dải phân cách… Đặc biệt, có loại sen lá như hình nón quai thao lật ngược ở mấy cái ao duy nhất trong khuôn viên một ngôi chùa. Song sự khác lạ của sen ở đây đâm ra cứ hỏi đường đến chùa Lá Sen, chắc chắn bạn được người dân chỉ đến nơi đến chốn.
Chợ nổi Cái Răng
Lạ thật, ở đây cái gì cũng to, dứa bằng cái nồi đất, mãng cầu nặng 5, 6kg là thường , chuối tiêu trái to và dài hơn cẳng tay người lớn. Chắc đói lắm cũng chỉ xơi hết một quả, chả biết ăn khỏe như Đạo “phệ” có chén được quả thứ hai không?
Mùa nước nổi, cứ nghe thiên hạ đồn thổi mãi bây giờ mới biết, có phải cứ miền Tây là nước nổi đâu, nó nổi có chỗ, có lúc chứ đâu phải thích là nổi. Mấy tỉnh đầu nguồn, nơi dòng Mê Kông chảy vào đất Việt như Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang và vùng tứ giác Long Xuyên, vào khoảng cuối tháng 8 đến đầu tháng 11 âm lịch hàng năm. Dòng sông mẹ tràn đầy nước nguồn, đổ ngập Biển Hồ Tonglesap, nước đưa dòng lũ mang theo tôm cá tràn về. Đấy là lúc bắt đầu mùa nước nổi. Còn mấy tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau... đợi đấy nhé, làm gì có nước nổi.
Lũ về từng đợt, cũng là lúc dân hạ bạc hành nghề, thôi thì lưới to, lưới nhỏ, lờ, lọp… mọi dụng cụ đánh bắt cá đều được sử dụng. Người lớn đánh lưới, trẻ con quây đìa, muôn vạn kiểu bắt cá, kẻ ít ngày cũng dăm cân, người nhiều thì hàng tấn. Thủy sản đa dạng, to như cá Hô, vài chục đến cả trăm kg một chú, nhỏ như cá linh, sặc rằn, lươn, trạch vô vàn theo dòng nước rút ra sông, cá lóc bông nặng 5, 6kg là thường, tôm càng xanh cỡ cườm tay, thịt càng tôm bằng chiếc đũa, ăn một con đủ no bụng rồi!
Dân sống qua năm nhờ mùa nước nổi, lũ mang lại kinh tế, lương thực dự trữ, tiền sách tiền vở… trăm thứ nhờ vào năm đó lũ lớn hay nhỏ. Nay, hàng năm, mọi người mở hội hân hoan chờ con nước đổ, năm nào lũ lớn gọi là lũ đẹp.
Thuỷ sản ở đây vào hàng thượng hảo hạng mà cách chế biến lại đơn giản đến kinh ngạc. Con cá lóc to đùng, chả cần sơ chế gì hết, xuyên cái tay tre dọc con cá, ra cạnh nhà vơ ít rơm, vứt thêm vô lửa ít con tôm càng xanh cỡ cổ tay, đốt một hồi tàn rơm, gạt tro bụi qua qua. Đâm tý muối ớt. Vơ quàng vơ xiên đâu đó bên bờ kinh trước nhà , điên điển mùa này đang rộ, thêm ít cọng bông súng, sai thằng nhỏ ra sau nhà vặt ít rau đắng, đủ rồi, vậy là ới dăm bậu hàng xóm chèo xuồng qua, xách theo can rượu đế và cây đờn kìm. Cuộc nhậu được bắt đầu, thi thoảng, mùi cá nướng theo gió bay xa lan tới mũi mấy ông bợm nhậu, cuộc rượu càng thêm phần xôm tụ. Thiếu rau, nhặt vài đọt xoài non cuốn chút cá chấm mắm nêm, tốn rượu ra phết.
Ngà ngà hơi men, chợt mấy anh lực điền hóa thân thành nghệ sỹ. Sáu câu vọng cổ man mác, da diết lan tỏa trên cánh đồng mênh mông mùa nước nổi...
Tôi không có ý định giới thiệu các địa danh du lịch, các bạn sẽ tự đi và trải nghiệm, tôi chỉ muốn các bạn biết thêm những điều mà nếu không tò mò, chắc chắn sẽ không biết.
U Minh, tưởng như miền đất nào u tối, cây cối chằng chịt, beo cọp, hổ báo lẩn khuất, nhầm! Rừng U Minh là những cồn đất nổi chen giữa các kênh rạch và hệ sinh thái đầm lầy.Vậy làm sao để phân biệt giữa U Minh Thượng với U Minh Hạ.
Cực kỳ đơn giản, hệ thực vật rừng tràm đến đâu, U Minh Thượng đến đấy, phần U Minh Hạ là rừng đước và mắm. Những loại cây kỳ lạ, quả của chúng có một đầu nhọn nhằm khi rời cây mẹ là cắm thẳng xuống bùn, từ đó, một thế hệ cây tiếp tục làm xanh thêm vùng đất mũi. U Minh Hạ là miền đất kỳ diệu. Đi rừng gác kèo ong mật, bắt tôm, cua… sinh sống dưới những bộ rễ đước chằng chịt qua lời của nhà văn Sơn Nam chính là chuyện viết về miền đất này…
(Còn nữa)
Lê Minh
Gửi bình luận