Phố ẩm thực thành phố hoa
Trong suốt thời gian diễn ra Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII năm 2017, người dân và du khách đã đặt tên con đường nhỏ (Hồ Tùng Mậu, dài chừng 700m) uốn lượn dưới táng rừng thông rất đẹp là “Con phố thơm lừng…”. Bởi, “Phố Trà - Cà phê - Rượu vang và Đặc sản Đà Lạt - Lâm Đồng” là điểm tham quan, mua sắm và thưởng thức loại thức uống mà nhân loại cả thế giới đều “nghiện” - cà phê…
Con phố rộn ràng người tham quan, thưởng lãm Trà, Cà phê Aribica... T.D.H
“Dư vị” của Festival Hoa Đà Lạt
Vui nhất, “rộn ràng” nhất khi được UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép kéo dài thời gian hoạt động của một số điểm tại Festiaval Hoa Đà Lạt lần thứ VII năm 2017 để phục vụ du khách Tết dương lịch 2018 là chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), những hộ gia đình có cửa hàng trưng bày sản phẩm trên“Phố Trà - Cà phê - Rượu vang và Đặc sản Đà Lạt”! Nhiều chủ doanh nghiệp ở đây tâm sự, trong thời gian tổ chức Frstival Hoa, đồng loạt diễn ra khá nhiều hoạt động, có nhiều điểm đến, nhiều không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm….nên người dân và du khách có nhiều sự chọn lựa tham quan; phần lớn khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh rồi bỏ đi; thời gian trưng bày cũng ít (6 ngày); nên việc kéo dài thời gian (hết ngày 2/1/2018), nghĩa là thêm 6 ngày hoạt động của con phố này là cơ hội để khách “trở lại”, dừng chân mua sắm và uống trà, rượu vang, cà phê được phụ vụ tại chỗ.
Đặc biệt, niềm vui như “nhân đôi” cho những doanh nghiệp ở xa Đà Lạt, có cơ sở sản xuất đặt tại các huyện, hay các địa phương khác tham gia “Phố Trà - Cà phê - Rượu vang và Đặc sản Đà Lạt - Lâm Đồng” năm nay. Đơn giản là có nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cà phê, trà…lần đầu tiên tham gia “ngày hội lớn”, có cơ hội giới thiệu sản phẩm đến đông đảo khách hàng trong và ngoài nước; nếu thời gian quá ít (chưa kể “mang đến lại mang về”) thì quá…phí công ! Do đó, đa số họ khá vui vẻ, náo nức, “huy động” thêm đội ngũ nhân viên phục vụ trong những ngày sau khi Festival Hoa kết thúc, nhất là tập trung trong dịp Tết Dương lịch 2018…
Rộn ràng con phố vào đêm. Ảnh T.D.H
Bà Đoàn Ngọc Bích: Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH Tám Trình (cơ sở tại thôn Quang Trung, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà - Lâm Đồng) chuyên sản xuất, kinh doanh cà phê Arabica (1 trong 4 sản phẩm vừa được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học - Công nghệ công nhận thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, vui mừng tâm sự: “Công ty tham gia giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại Festival Hoa Đà Lạt năm nay là lần đầu tiên; đây là cơ hội rất tốt để sản phẩm của các công ty, các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đinh kinh doanh sản phẩm trà, cà phê trong tỉnh được giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng; qua đó phát triển “thương hiệu cà phê” của tỉnh Lâm Đồng đến với bạn bè trong nước và thế giới…”.
Quan sát gần 30 gian hàng giới thiệu, bày bán sản phẩm trên con phố này, có mặt hầu hết các thương hiệu nổi tiếng của vùng đất lạnh Đà Lạt - Lâm Đồng như sản phẩm trà (Olong, Atiso, trà dược liệu…); rượu vang Đà Lạt nổi tiếng mà các quan chức 2 lần dự Hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam (năm 2006 và 2017) mới đây ở Đà Nẵng đều được nếm qua; sản phẩm hồng treo, đông trùng hạ thảo; đặc biệt, chiếm số lượng lớn là sản phẩm cà phê các loại: từ cà phê nhân (trực tiếp rang, chế biến phục vụ tại chỗ theo yêu cầu của khách) đến sản phẩm đã đóng gói gồm nhiều loại cà phê nổi tiếng trong và ngoài nước (Aribica, cà phê chồn…). Tất cả hương thơm của trà, đặc sản, mùi hương của cà phê dịu ngọt hòa quyện với hương hoa của xứ sở ngàn hoa làm cho con phố nhỏ thơm lừng níu chân lữ khách !
Thương hiệu cà phê Arabica
Cần nói thêm, từ vinh dự được Cục sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận thương hiệu độc quyền cho 4 loại sản phẩm đặc trưng của Đà Lạt - Lâm Đồng (Rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông); trong chương trình tổng kết và Bbế mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII (tối 27/12/2017), UBND tỉnh Lâm Đồng đã trao tặng biểu trưng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” cho 125 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh thuộc 4 nhóm sản phẩm, dịch vụ nói trên; trong đó có 20 công ty, HTX và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh cà phê Arabica.
Khi nói đến cà phê Arabica, chắc rằng nhiều người (ngay cả dân mộ điệu cà phê ngỡ ngàng?). Bởi nguồn gốc xuất xứ, chế độ canh tác, những yêu cầu (về độ cao, khí hậu, thỗ nhưỡng) để sản xuất loại cà phê này và giới thưởng thực nó trước đây ít người biết !
Theo tư liệu, cà phê Arabica, tiếng Việt gọi là cà phê chè (có 2 loại là Moka và Catimo), cây thấp, lá nhỏ như cây chè, (danh pháp là: Coffea Arabica), có nguồn gốc đầu tiên từ vùng cao nguyên Tây Nam Ethiopia (châu Phi). Từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 19, loại cà phê nổi tiếng này di thực đến nhiều nước; Trung Mỹ, Nam Mỹ (Brazil và Colombia là 2 nước sản xuất chính loại cà phê này). Ngày nay, có khoảng 125 loài cà phê thuộc giống Arabica phân bố rộng rãi ở nhiều châu lục: châu Phi, Mỹ Latinh, Đông Nam Á, Trung Quốc và các quần đảo ở Caribê, Thái Bình Dương…Điều đáng nói là từ 2 loại cà phê: Arabica Typica và Arabica Bourbon, người ta đã lai tạo ra khá nhiều giống cà phê (Arabica Caturra, Arabica Mundo Novo, Arabica Catuai, Arabica Mountain…).
Đặc biệt, giống cà phê Arabica Bourbon được người Pháp trồng đầu tiên trên đảo Bourbon (Réunion) nằm giữa Ấn Độ Dương vào năm 1708. Chính giống cà phê này, người Pháp đã mang đến Việt Nam trồng tại một số đồn điền. Và, trên cao nguyên Lâm Viên, Arabica Bourbon (người Đà Lạt thường gọi cà phê Moka) được người Pháp cho trồng ở những vị trí có độ cao từ 1.500m so với mực nước biển, nhất là vùng Đà Lạt...
Có độ cao lý tưởng, thổ những, khí hậu phù hợp, Lâm Đồng hiện là tỉnh có giống cà phê Arabica chất lượng cao nhất nước; toàn tỉnh có khoảng 160 ngàn ha cà phê các loại; trong đó cà phê Arabica chiếm hơn 10% và được trồng ở một số phương, nhiều nhất là Đà Lạt và các huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh…
Bởi phát triển khá mạnh nên trong các gian hàng của “Phố Trà - Cà phê - Rượu vang – Đặc sản… ” lần này, chiếm đa số là các “thương hiệu” tên tuổi sản xuất, chế biến cà phê Aribica của nhiều địa phương “góp mặt” như các Công ty TNHH cà phê Arabica: Phú Vinh (xã Xuân Thọ), Hào Nhất (xã Trạm Hành), Thái Châu (Phường 8 - Đà Lạt), Công ty Tám Trình và Hân Vinh (huyện Lâm Hà); Kơ Ho (huyện Lạc Dương); các HTX sản xuất cà phê Aribica: Công Bằng, Trường Sơn và Đất Làng (xã Xuân Trường); Trường Gia Phát (xã Trạm Hành) cà phê chồn Trại Hầm (Phường 10 - Đà Lạt); gần 10 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh cà phê Arabica như: Lương Trọng Nghĩa (xã Trạm Hành), Phạm Thị Minh Thùy (Cầu Đất), Võ Văn Quy (Xuân Thọ), Bùi Văn Sơn (Xuân Trường), Cơ Liêng Ha Jeck, Rơ Ông Ha Mừng (Lạc Dương)…
Chênh chao giữa con phố rực nức mùi thơm của hoa, của trà, các loại đặc sản xứ núi và thưởng thức ly cà phê Aribica đặc biệt thơm ngon - thức uống có nguồn gốc lâu đời nhất, sành điệu nhất của nhân loại trên toàn thế giới giữa khí trời vào Xuân se lạnh của Đà Lạt, thử hỏi có “thượng đế” nào hạnh phúc bằng…
Ghi chép: THANH DƯƠNG HỒNG
Gửi bình luận