Nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản hát Xoan
Ngày 8/12/2017, di sản hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO đưa ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phú Thọ đã và đang nỗ lực phát huy giá trị di sản này.
Du khách trải nghiệm điệu hát Xoan “Mó cá” tại đình cổ Hùng Lô
Hát Xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại vào ngày 24/11/2011. Trong vòng 6 năm, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện chặt chẽ những cam kết với UNESCO; có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, bảo vệ khẩn cấp di sản này.
Năm 2011, Phú Thọ chỉ có hơn 100 đào, kép hoạt động không đều, phần lớn đã trên 60 tuổi và chỉ có 7 trong số các nghệ nhân trên 80 tuổi còn khả năng thực hành và truyền dạy. Đến nay, đã có 52 nghệ nhân được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 17 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; 4 phường Xoan gốc là Phù Đức, Kim Đái, Thét thuộc xã Kim Đức và An Thái thuộc xã Phượng Lâu thường xuyên thực hành hành hát Xoan. Toàn tỉnh hiện có 143 câu lạc bộ hát Xoan với trên 4.000 người tham gia thực hành hát Xoan. 100% trường học ở các cấp từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đã đưa nội dung hát Xoan vào chương trình giáo dục thông qua bộ môn âm nhạc và chương trình học ngoại khóa với các bài hát Xoan phù hợp. Sở VHTTDL cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng trình diễn cho các hạt nhân hát Xoan tại các câu lạc bộ…
Sở VHTTDL Phú Thọ cũng đã phối hợp với Viện Âm nhạc hoàn thành Tổng tập hát Xoan Phú Thọ dày 1.200 trang để làm tài liệu cho việc nghiên cứu và giảng dạy hát Xoan đến với các thế hệ kế cận. Hơn 4.000 đĩa CD và 3.000 cuốn sách “Hát Xoan Phú Thọ - tuyển chọn I” được nghiên cứu, sưu tầm và xuất bản nhằm tuyên truyền quảng bá giá trị di sản văn hóa hát Xoan Phú Thọ. Công tác đầu tư, tu bổ các di tích gắn với sự ra đời của hát Xoan đã được đặc biệt quan tâm; 20/30 di tích đình, miếu được bảo tồn, tôn tạo đủ điều kiện cho trình diễn hát Xoan thờ Thần như miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình Bảo Đà… Bên cạnh đó, công tác giáo dục, quảng bá hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được chú trọng; Sở VHTTDL Phú Thọ đang nâng cấp chuyên trang hát Xoan cả tiếng Việt và tiếng Anh; xuất bản các chương trình nghe nhìn về hát Xoan giúp cộng đồng nhận diện về giá trị hát Xoan; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí quảng bá, giới thiệu hát Xoan đến với đông đảo nhân dân, bạn bè trong và ngoài nước…
Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Phú Thọ Phùng Thị Hoa Lê cho biết: “Để xúc tiến loại hình nghệ thuật này, ngành VHTTDL cũng có định hướng phát động những đợt sáng tác dành cho các nhạc sĩ, dựa trên nền dân ca Xoan để sáng tác ca khúc mới. Như vậy, để dòng hát Xoan cổ vẫn được lưu giữ, một dòng hát Xoan mới mang âm hưởng thời đại nhiều hơn sẽ đưa Xoan lên sân khấu”. Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy kỳ vọng nhiều hơn: “Chúng tôi hi vọng rằng các nghệ nhân, trùm phường, trưởng phường tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền dạy cũng như nâng cao kỹ năng thực hành để trình diễn cho du khách, để du khách có thể trải nghiệm một cách tốt nhất ý nghĩa nhất đối với các di sản hát Xoan tại các di tích gốc”.
Phước Hà
Gửi bình luận