Những bí ẩn của nhân vật quyền thế chính quyền Sài Gòn, Kỳ 1
Kỳ 1: Ngôi biệt thự bí mật nằm trrong cuốn sổ tay ông cố vấn
Nói về nhân vật quyền thế số 2 nền đệ nhất cộng hòa – vợ chồng cố vấn Ngô Đình Nhu, người ta đã nói nhiều kể từ khi chính quyền này ra đời năm 1955. Đến nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua người đời vẫn còn hoài nghi, rằng cả đời ông ta không thấy có căn nhà riêng nào ở Sài Gòn.
Dinh Gia Long xưa, nay là Bảo tàng TP.HCM
Những lúc đi săn bắn hay kinh lý trên Đà Lạt, ông Nhu tá túc một trong ba ngôi biệt thự được biết đến là của đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân nằm ở khu đồi Lam Sơn. Sự thật trên được hiểu như thế nào, và, lai lịch của 3 ngôi biệt thự này vẫn còn nhiều điều bí ẩn.
Những hoài nghi trên nghe qua có vẻ hợp lý. Bởi trong suốt chín năm làm cố vấn cho nền đệ nhất cộng hòa, người ta thấy có đến 6 năm ông Ngô Đình Nhu ở hẳn trong dinh Độc Lập, sau vụ đảo chính hụt 1960, ông Nhu theo bào huynh về bên dinh Gia Long cho đến lúc cả hai nằm yên trong thiết vận xa M.113. Thực tế không phải vậy, ông cố vấn có một biệt thự kiểu Pháp sang trọng vào loại bậc nhất Sài Gòn nằm trên đường Phùng Khắc Khoan. Ngôi biệt thự này ngay cả nhiều quan chức cấp cao cùng thời cũng rất ít người được biết.
Lần theo những sử liệu hiếm hoi còn sót lại về cuộc đời riêng tư của ông cố vấn do chính nhân vật ghi lại khá chi tiết trong quyển tự bút có tên “sổ tiền ông bà cố vấn”. Chúng tôi tiếp cận quyển sổ bằng giấy ca – rô, trong đó ghi chép cẩn thận ngày tháng chi xuất số tiền cho ai, mua cái gì, ở đâu, giá bao nhiêu… bắt đầu từ năm 1956 cho đến gần cuối cái ngày định mệnh đen tối của hai anh em ông. Việc ghi chép này chắc hẳn là do thói quen đã có của ông Nhu, bởi ông từng học qua ngành Bảo quản Văn khố cổ tự học ở Paris trước khi trở thành cố vấn chính trị cho nền đệ nhất cộng hòa, nên việc ghi chép cẩn thận các khoản chi tiêu cá nhân trong quyển “sổ tiền” cũng là việc bình thường chứ chẳng có chi lạ. Chẳng hạn như năm 1956, sau một năm làm cố vấn, ông tài trợ cho nhà thờ họ Bến Tre 5.000 đồng bạc. Cũng năm này ông mua bức tranh “Dưới gốc hoa phượng” của họa sĩ Hồ Tấn Thuận giá 2.000 đồng bạc; trả tiền tạm ứng cho Đại sứ Trần Chánh Thành ở Thuỵ Sĩ để mua hai chiếc đồng hồ reo Jacger le Coultre (giá 180 Franc Thuỵ Sỹ) và Looping (giá 73 Franc Thuỵ Sỹ). Cũng nên nhắc lại sở thích của ông Nhu là sưu tầm đồng hồ, chơi tranh và săn bắn. Vì thế cũng không bất ngờ khi thấy trong năm này ông Nhu chi tiền mua cùng lúc hai khẩu súng săn, ống ngắm, 600 viên đạn, rồi trả tiền thuộc da cọp, da beo săn bắn ở Đà Lạt lên đến 345.400 đồng bạc. Số bạc này chẳng thấm vào đâu so với số tiền mà bà cố vấn Ngô Đình Nhu hằng tháng lấy ít thì cỡ bảy tám chục nghìn đồng, có tháng lấy đến 350.000 đồng để mua sắm, xuất ngoại sửa sang sắc đẹp khi thì Tokyo, khi thì Rome, có tháng ở hẳn bên Thuỵ Sỹ, Luân Đôn, Hồng Kông…ăn chơi cho đã đời hương phấn. Tất cả các khoản chi tiêu trên đều được ghi chép rất cụ thể, thậm chí có những khoản chi tiêu được ông bà cố vấn ghi chú “xin ngân quỹ chính phủ đài thọ”. Và, mỗi năm chi tiêu bao nhiêu đều được ông cố vấn tổng kết, ví như năm 1956 chi 2.150.000 đồng; năm 1957 chi 2.510.000 đồng; năm 1958 chi 2.870.000 đồng; năm 1959 chi 3.230.000 đồng…
Cũng nhờ có cuốn “sổ tiền” chúng tôi mới lần ra ngôi biệt thự của ông Nhu mua vào năm 1957, nằm trên đường Phùng Khắc Khoan, Sài Gòn. Con đường này trước đó có tên là Rue Miche, một trong những con đường có nhiều biệt thự kiểu Pháp nhất Sài Gòn ngày trước. Theo đó, chủ nhân của ngôi biệt thự trước khi bán cho ông Nhu là bà Da Cruz, có nhũ danh Marie Louse Ida Peux. Bà Da Cruz, quốc tịch Pháp, sinh 1927, tại Sài Gòn. Bà kết hôn với ông Fernando Antonio Da Cruz, cùng quốc tịch vào năm 1944.
Trang bìa quyển sổ tiền ghi chi tiết các khoản chi 1956 của ông cố vấn Nhu
Trong tờ “Đoạn mãi bán nhà và đất” được thành lập vào ngày 20 / 8 /1957, giữa hai bên bán và mua ký tên trước sự chứng kiến của ông Phạm Quang Lộc, Chưởng khế Sài Gòn. Trước đó một ngày hai bên đã đến phòng Chưởng khế để làm các thủ tục cần thiết theo thể thức “công chính chứng thư”. Những người này cũng đã yêu cầu ông Chưởng khế ký tên vào tờ “Đoạn mãi”, bởi ông còn là người chấp bút thảo ra các giao ước giữa hai đàng theo luật định.
Bên bán, bà Da Cruz khai rằng mình không nghề nghiệp và là vợ riêng của ông Fernando Antonio Da Cruz, cư ngụ tại số 23 Phùng Khắc Khoan, Sài Gòn.
Và, một đàng mua là ông Ngô Đình Nhu, sinh năm 1910, tại Huế, mang quốc tịch Việt Nam. Nghề nghiệp Bảo quản Văn khố cổ tự học; kết hôn với bà Trần Lệ Xuân tại Hà Nội vào năm 1943. Hai bên đồng ý mua và bán đứt một bất động sản có diện tích 1.215m2, toạ lạc tại số 23 Phùng Khắc Khoan. Sở đất này khi đó còn nằm trong khu vực “Sài Gòn độc lập”, quyển 1, tờ bản đồ số 81, thuộc bằng khoán điền thổ số 81. Và tất cả các kiến trúc xây cất trên sở đất ấy gồm có biệt thự một lầu, tường gạch, xi măng cốt sắt, mái ngói cùng với ngôi nhà phụ thuộc.
Bà Da Cruz cam kết với ông Chưởng khế, rằng gốc tích của bất động sản trên thuộc quyền sở hữu của mình và điều này được Bộ Điền thổ khu vực “Sài Gòn độc lập” ghi nhận. Tại thời điểm giao kết bà không bị khánh tận, tài phán thanh toán, vỡ nợ hoặc bị cấm quyền. Sự mua bán này đã được hai bên đồng thuận với giá bạc chính thức là một triệu chín trăm nghìn đồng. Số bạc này chủ mua đã trả xong cho chủ bán bằng bạc hiện hành thông dụng, đếm đủ và giao trước sự chứng kiến của ông Chưởng khế.
Giá chuyển nhượng trên sau đó được thể hiện trong biên lai thu tiền số 452, số tiền thuế trước bạ là 14.256 đồng, do Trưởng ty Bảo thủ Điền thổ Sài Gòn – Gia Định Nguyễn Văn Xướng chứng nhận vào ngày 7 / 9 / 1957. Tờ biên lai thuế cũng chính là căn cứ để ông Nhu sang tên, đăng ký vào Bộ Điền thổ để nhận bằng khoán mới.
(Còn nữa)
Cao Phương
Gửi bình luận