Farmtrip Tây Nam bộ để phát triển du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long
Vừa qua, Tổng cục Du lịch đã tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch Tây Nam bộ và kết hợp tổ chức hội thảo về Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại An Giang và Cần Thơ về phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung khai mạc hội thảo tại An Giang
Khảo sát chuyến du lịch taxi trên sông Sài Gòn là một tour ngắn có tính trải nghiệm đi từ bến Bạch Đằng đến các bến dọc sông: khu chung cư Landmark 81, khu đô thị Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh thành phố Hồ Chí Minh và điểm cuối là Thanh Đa. Dự án du lịch này muốn tạo cho dân cảm giác hồi tưởng không gian xưa, 80% khách đến bến tàu không phải đi tàu, mà là thăm thú. 70% người đi trên tàu là đi du lịch nhưng hầu hết là dân nghèo do vậy, giá phải rẻ mới hợp túi tiền họ, một chuyến du ngoạn ngắn chỉ 30-35 nghìn đồng thì ai cũng đi được. Du lịch taxi trên sông Sài Gòn là một mô hình hay, rẻ tiền và rất phong phú phải là một hướng dẫn viên du lịch có trình độ hiểu biết mới thật sự hấp dẫn.
Làng nổi Tân Lập – Long An lại là một kiểu du lịch khác. Thuyền cáp kéo trên sông là mô hình đầu tiên có ở Tây Nam bộ. Dự án này mới khai trương sau 30/4/2018 và duy nhất có ở đây. Thuyền cáp có chiều dài cáp khoảng 4 km, cáp chìm dưới nước, mỗi thuyền chứa được 6-8 người. Ưu điểm của mô hình là chỉ khai thác du lịch ở bên ngoài, không tác động vào bên trong rừng tràm Tân Lập. Môi trường yên tĩnh làm cho chim chóc không bị xáo động mà bay đi. Chiều về, khoảng sau 5h, có thể ngắm chim chóc về tổ.
Du lịch Farmstay Việt – Mê Kông là một mô hình du lịch trải nghiệm cuộc sống nông dân ở vùng sông nước Đồng Tháp dạng Farmstay và Homestay cũng là mới ở Hồng Ngự Đồng Tháp. Khách du lịch về Hồng Ngự để trải nghiệm đời sống nông thôn như đi cấy, bắt cá, mò cua và nghỉ dưỡng ở các lều lán lợp rơm rạ để tận hưởng không khí thoáng mát và dân dã đồng quê. Mô hình du lịch nông nghiệp Hồng Ngự khá là và sinh động nhưng vì mới nên việc chuẩn bị đón khách còn chưa tốt song đã mở ra hướng đi mới cho du lịch trải nghiệm cuộc sống nông thôn. Trong buổi hội thảo tại An Giang, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung đã kết luận 8 vấn đề: Thống nhất nhận thức du lịch nông nghiệp là hiệu quả nhưng thực tế chưa xứng tầm tiềm năng; Tài nguyên du lịch Tây Nam bộ là nổi trội hơn so với cả nước. Ta có 7 vùng du lịch thì Tây Nam bộ là mạnh nhất vì có vựa cá, vựa lúa, văn hóa đất phương Nam đặc biệt. Đồng bằng sông Cửu Long đủ điều kiện để phát triển du lịch; Phát triển du lịch nông nghiệp phải gắn với phát triển và xây dựng nông thôn mới; Phát triển du lịch nông nghiệp mang lại lợi ích kép; Để du lịch nông nghiệp tốt cần kết hợp: Bản sắc văn hóa miền Tây, chất lượng dịch vụ đẳng cấp quốc tế, quảng bá thương hiệu du lịch; Cần phải tạo ra hệ sinh thái du lịch Đồng bằng sông Cửu Long: Lưu trú homestay, nghỉ dưỡng theo kiểu Nam bộ, tạo điểm nhấn khác biệt để thu hút khách ở lâu; Cần đẩy mạnh du lịch sáng tạo khác biệt giữa các tỉnh để thu hút khách; Đẩy mạnh đào tạo liên kết vùng để du khách đến nhiều hơn.
Trải nghiệm lái máy kéo trên đồng
Kết thúc chuyến farmtrip và tổng hợp ý kiến của các tỉnh nổi bật lên ba vấn đề cần sớm được triển khai thời gian tới đó là: Hoàn thiện sản phẩm du lịch và nâng cấp các sản phẩm du lịch hỗ trợ đặc thù; Quảng bá xúc tiến du lịch nên thường xuyên liên tục; Phát triển nguồn nhân lực du lịch, mà trọng tâm là bồi dưỡng hướng dẫn viên du lịch và nông dân làm du lịch. Các đại biểu tham dự tọa đàm cũng kiến nghị với Tổng cục Du lịch một số vấn đề: Tổng cục Du lịch cần hỗ trợ du lịch liên vùng sông Mê Kông, liên quốc gia, hỗ trợ du lịch đường sông; Hỗ trợ hợp tác liên kết nội vùng sông Cửu Long.
Lê Tuấn Lộc
Gửi bình luận