Du lịch Đồng Nai trước vận hội mới
Trong những năm qua, ngành Du lịch đã có những chuyển biến tích cực, trong đó sản phẩm du lịch ngày càng hoàn thiện, kết cấu hạ tầng du lịch từng bước được đồng bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng phát triển, lượt khách và doanh thu du lịch ngày càng tăng… Cho nên, ngành Du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Đồng Nai, hướng đến thúc đẩy kinh tế liên vùng phát triển.
Từ những tiềm năng và lợi thế ngành Du lịch tỉnh Đồng Nai đang đứng trước vận hội mới để du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Từ những thế mạnh
Trước đây, thị trường khách chủ yếu của du lịch Đồng Nai là vài tỉnh lân cận trong vùng Đông Nam bộ như: TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và khách nội tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay thị trường khách được mở rộng hơn như tỉnh Bình Phước, Bình Thuận và một số tỉnh miền Tây. Khách nội địa chiếm thị phần khoảng 97,5% (năm 2018).
Và theo số liệu điều tra khảo sát thị trường, kết quả khảo sát từ 998 du khách tại 10 điểm du lịch của tỉnh, cho thấy khách du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh là 428 người, đạt tỷ lệ 43,4%. Khách du lịch ở các địa phương của tỉnh Đồng Nai là 384 người, đạt tỷ lệ 39,0% và du khách đến từ các tỉnh, thành khác là 174 người, đạt tỷ lệ 17,6%.
Thị trường khách quốc tế: Chủ yếu đến từ các thị trường Pháp, Đức, Mỹ, Anh, Úc, Hà Lan… và các chuyên gia nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam (Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật…). Khách quốc tế chỉ chiếm thị phần 2,5% (năm 2018).
Nhưng để đạt được kết quả đó là nhờ Đồng Nai sở hữu vị trí địa lý kết nối và nằm trong Vùng kinh tế trong điểm phía Nam khu vực được đánh giá có mức thu nhập bình quân đầu người cao, là điểm kết nối trung chuyển du khách nội địa cũng như quốc tế.
Chính vì, là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam bộ - vùng kinh tế phát triển và năng động nhất cả nước; là một trong ba góc nhọn của tam giác phát triển TP. HCM - Bình Dương - Đồng Nai và cách TP. HCM 30 km. Cho nên, Đồng Nai luôn có sẵn nguồn du khách nội vùng từ hai địa phương phát triển mạnh về du lịch này.
Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục xây dựng đề án quy hoạch phát triển giao thông - vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 nhằm tăng tính kết nối với các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là với TP Hồ Chí Minh. Theo đó, hàng loạt công trình giao thông quan trọng đã và đang được triển khai như: Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 1A, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đường vành đai 3 Tân Vạn - Nhơn Trạch,... Tỉnh cũng mở nhiều tuyến đường liên tỉnh tạo sự thuận tiện, đồng nhất trong sinh hoạt và kinh doanh.
Đến các giải pháp
Cùng với chính sách mở cửa, hội nhập ngày càng được sâu, rộng (ASEAN, WTO, CPTPP...) đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến hợp tác thu hút nguồn du khách quốc tế đến với Đồng Nai.
Mặt khác, địa phương sở hữu đa dạng các di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng, trong đó có đến 56 di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia như: Núi Chứa Chan – Chùa Gia Lào, Căn cứ Khu ủy Miền Đông (Chiến khu D), Địa đạo Suối Linh, Căn cứ TW Cục Miền Nam..., các công trình giá trị văn hóa khác: Nhà cổ, Văn miếu Trấn Biên, Bảo tàng tỉnh....
Đồng thời, địa phương còn huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, bước đầu đã mời gọi được một số doanh nghiệp lập thủ tục đầu tư vào các vị trí quy hoạch phát triển du lịch. Tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án phát triển du lịch như: Dự án du lịch sinh thái kết hợp vui chơi giải trí tại hồ Trị An, hồ Đa Tôn, Thác Mai – Bàu nước nóng, Công viên Safari, tuyến du lịch đường sông... để tạo điểm nhấn cho việc phát triển du lịch của tỉnh.
Ngoài ra, một số dự án đang được triển khai như: Khu du lịch Sơn Tiên, dự án khai thác tuyến du lịch sông và các dự án đang lập thủ tục đầu tư như: Hồ Trị An, Thác Mai – Bàu nước nóng…Và việc nhiều kết cấu hạ tầng lớn đã và đang được triển khai như: Đường cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt, Bến Lức – Long Thành, sân bay quốc tế Long Thành... Đây sẽ là tiền đề để du lịch Đồng Nai thay đổi diện mạo trong những năm tiếp theo.
Sự phát triển của du lịch Đồng Nai trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, tuy nhiên còn nhiều tiềm năng chưa được phát huy hiệu quả. Vì vậy, để du lịch tỉnh Đồng Nai phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo Sở VHTTDL sẽ tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phát triển du lịch và phối hợp tốt với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên nhằm sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng như mục tiêu đề ra.
Lê Kim Bằng
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Đồng Nai
Gửi bình luận