Đền Đồng Quỹ
Đền Đồng Quỹ, xã Nam Tiến, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là di tích thờ Triệu Việt Vương, người có công đánh đuổi giặc Lương giành độc lập cho dân tộc vào thế kỷ thứ VI; là di tích có giá trị lịch sử tiêu biểu, nơi đây Triệu Quang Phục và hai người cháu của ông quê ở Nam Định có công lớn trong việc chống giặc ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc và nhiều kỷ niệm gắn bó với mảnh đất Đồng Quỹ.
Theo truyền thuyết ở địa phương, khi Triệu Quang Phục được vua Lý Nam Đế cử làm Tiết độ sứ ở đạo Sơn Nam, đã có lần ông qua làng Đồng Quỹ thăm hỏi việc nông trang, cấy cày khuyên dân làm ăn ổn định làng xã. Vì vậy khi ông qua đời nhân dân địa phương đã lập đền thờ và tôn làm vị thành hoàng của làng.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, thăng trầm của quê hương đến nay di tích đền Đồng Quỹ còn giữ được quy mô bề thế, phong cảnh hữu tình. Đền Đồng Quỹ nằm ở vị trí giữa làng, phía trước và bên phải đền là sông, đường làng và con đường Đen nối liền đường 55 với đường 21. Vì thế di tích có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc đón khách hành hương, tham quan nghiên cứu và phát huy giá trị của mình.
Đền Đồng Quỹ là công trình kiến trúc được xây dựng từ lâu đời, đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn bảo đảm được phong cách kiến trúc nghệ thuật của hai thời Lê - Nguyễn. Đền làm theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ đinh, gồm ba tòa. Tiền đường 5 gian, bộ khung bằng gỗ lim, với các cấu kiện chính như cột đặt trên chân tảng đá cổ bổng. Nối liền hệ thống chân cột là ngưỡng cửa đá, chạm khắc họa tiết hoa lá tạo dáng mềm mại. Các bộ vì làm kiểu chồng rường giá chiêng. Các đầu xà, bẩy và các con rường chạm khắc mang phong cách thời Nguyễn, đường nét thoáng và đơn giản. Riêng gian giữa là nơi thờ tự chính được chạm khắc phong phú hơn. Ở đây các đầu xà được chạm rồng, nghê xen kẽ có các họa tiết hoa lá. Phía trên treo bức đại tự với ba chữ Hán “Thượng đẳng từ” (đền thờ các vị thần bậc trên). Trên nóc tòa tiền đường đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt, hình rồng được ghép bằng các mảnh sứ của bát đĩa cổ rất công phu, tạo nên vẻ uy nghi cổ kính.
Tòa trung đường gồm 5 gian, ba gian giữa làm bằng gỗ lim, các cột sơn son thếp vàng, các bộ vì làm chồng rường đấu rế. Hầu hết các cấu kiện như con rường, bẩy kẻ đầu dư được thể hiện với các mảng chạm khắc tiêu biểu của phong cách thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII) là mặt hổ phù, mây rồng, hoa lá đường nét tinh xảo, mềm mại. Nổi bật hơn là những bông hoa sen đang độ nở, các cánh sen được thể hiện rõ nét ở nhiều góc độ trong một không gian chật hẹp… với đường nét, đề tài chạm khắc phong phú giàu tính thẩm mỹ, công trình tòa trung đường đền Đồng Quỹ đã thể hiện trình độ nghệ thuật tiêu biểu của kiến trúc cổ truyền dân tộc.
Tòa cung cấm nơi thờ tự tôn nghiêm nhất được xây dọc, cuốn gạch gồm ba tầng tám mái. Bộ cánh cửa giữa chạm kênh bong kiểu rồng chầu mặt trời, xung quanh là họa tiết vân ám. Phía trong yên vị tượng Triệu Việt Vương.
Hằng năm cứ vào dịp kỵ Thánh (14/8 âm lịch), nhân dân thôn Đồng Quỹ lại long trọng tổ chức lễ hội diễn ra trong 3 ngày (ngày 12,13 và 14/8 âm lịch) với những hoạt động nghi lễ, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc như: Tế, rước kiệu thánh, cờ người, tổ tôm điếm, đánh đu, bắt vịt, đấu vật...
Đền Đồng Quỹ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa năm 1993.
Quang Vinh
Gửi bình luận