Để Bảo tàng là điểm đến hấp dẫn, kỳ 1
Kỳ 1: Có đổi thay nhưng chưa hấp dẫn
Trong thời gian qua, được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, Bộ VHTTDL cũng như các Bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương, hoạt động của các Bảo tàng đã có nhiều khởi sắc, diện mạo của Bảo tàng ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên cho đến nay, Bảo tàng đã thực sự là điểm đến hấp dẫn của du khách hay chưa vẫn còn nhiều câu hỏi cần có lời giải đáp.
Khách tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Diện mạo có nhiều đổi thay
TS Nguyễn Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa - Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết: “Thời gian qua các Bảo tàng, di tích ở Việt Nam đã thực sự có nhiều sự đổi thay, tuy nhiên để trở thành điểm đến hấp dẫn thì không phải bảo tàng nào cũng làm được”. Theo TS Lý: “Bảo tàng muốn hấp dẫn trưng bày phải đẹp, luôn được đầu tư, đổi mới nội dung, tạo sự tò mò, thu hút khách đến khám phá, trải nghiệm. Từ năm 2018, tại Dinh Độc Lập có khai trương phòng trưng bày theo phương pháp Bảo tàng mới có tên gọi: “ Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập” (1868-1966), nội dung trưng bày được nghiên cứu bài bản, kỹ càng, thể hiện ấn tượng, diễn giải lịch sử, giới thiệu tài liệu hiện vật bằng cách kể chuyện về hiện vật cùng với việc ứng dụng khoa học công nghệ tạo nên sự tương tác của khách tham quan cả về thị giác, thính giác, xúc cảm”.
Tìm hiểu thực tế cho thấy: Thời gian qua, với sự nỗ lực, một số Bảo tàng Trung ương và địa phương đã quan tâm đổi mới trưng bày. Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn thu hút khách qua cách thể hiện nội dung về các tổ hợp, không gian trưng bày, hình ảnh, các thước phim tư liệu hết sức xúc động cùng với các hoạt động trải nghiệm thú vị. Nằm trong tuyến tham quan, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam với địa thế đẹp có cột cờ Hà Nội, gần khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long cũng có sức hút đối với khách trong nước và quốc tế. Với trên 16 vạn tài liệu hiện vật, đến đây, qua nội dung trưng bày, mô hình, sa bàn, phim tư liệu khách hiểu rõ hơn truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, sự lớn mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam, với dấu ấn là các bảo vật quốc gia: Máy bay MIG 21 số hiệu 5121; Xe tăng T54B số hiệu 843; Bản đồ chiến dịch Hồ Chí Minh…
Theo TS Phạm Quốc Quân - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam: Tòa nhà Bảo tàng Lịch sử cũ có kiến trúc, không gian đẹp lại nằm ở vị trí thuận lợi gần nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng ở Thủ đô, hiện vật trưng bày ở Bảo tàng đẹp, độc đáo. Nổi bật ở Bảo tàng có những bộ sưu tập hàng đầu, độc đáo giới thiệu trong các cuộc triển lãm chuyên đề, tiêu biểu như sưu tập về Đông Sơn; sưu tập gốm Việt Nam; sưu tập đồ gốm nước ngoài có giá trị, ý nghĩa về nhiều mặt. Bên cạnh đó, thời gian qua Bảo tàng đã ứng dụng công nghệ hiện đại, ứng dụng hệ thống thuyết minh tự động, tạo thuận lợi cho khách chủ động trong quá trình tham quan, điều này đã tạo nên sức hấp dẫn của Bảo tàng đối với du khách.
Vẫn chưa thực sự là điểm đến hấp dẫn...
Cũng nằm ở vị trí thuận lợi tại trung tâm Thủ đô, hàng loạt các Bảo tàng chuyên ngành như: Bảo tàng Công an nhân dân; Bảo tàng Chiến thắng B52; Bảo tàng Phòng không- Không quân… đối tượng khách chính vẫn là ở trong ngành, quân binh chủng và học sinh đi học ngoại khóa. Ngoài phần trưng bày cố định trong nhà, các Bảo tàng này có phần trưng bày ngoài trời, tổ chức các cuộc triển lãm chuyên đề. Đáng chú ý: Cách thể hiện trưng bày giống nhau, nội dung hết sức dàn trải, trùng lắp, dày đặc hiện vật, không tạo điểm nhấn. Đến đây tham quan, khách không được kết nối, cảm nhận, hiểu sâu những câu chuyện kể về hiện vật trưng bày. Khách đi xem trưng bày giống như đi xem một cuộc triển lãm thành tựu phát triển, kết thúc là trưng bày hàng loạt ảnh chân dung của các anh hùng, liệt sỹ, những người lãnh đạo qua các thời kỳ.
Ở phần lớn các Bảo tàng địa phương cho thấy, mặc dù đã có nhiều đổi mới nội dung trưng bày, nhưng vẫn đều theo mô típ chung: Giới thiệu về mảnh đất, con người địa phương; Lịch sử đấu tranh; Văn hóa truyền thống, Thành tựu trong đổi mới. Để hỗ trợ cho trưng bày có các mô hình, sa bàn, phim tài liệu. Ngoài ra, hàng năm có các triển lãm, trưng bày chuyên đề, tổ chức một số hoạt động trải nghiệm. Do nhiều nguyên nhân, các Bảo tàng địa phương dù có nhiều cố gắng nhưng cách trưng bày không tạo điểm nhấn, chưa hấp dẫn, bị trùng lắp, nhiều Bảo tàng chưa khai thác hết giá trị không gian bên ngoài Bảo tàng, chẳng hạn xác máy bay các loại của địch bị bắn rơi, không được bảo quản nằm chỏng chơ ở một góc sân Bảo tàng Vĩnh Phúc hay xác con thuyền gỗ cổ nằm trên vỉa hè Bảo tàng Bắc Ninh trông thật phản cảm. Phía trong nhà trưng bày Bảo tàng Bắc Ninh khách mới chỉ thấy có vài tủ kính bày một số hiện vật khảo cổ học về vùng đất Kinh Bắc đan xen là tủ kính trưng bày hiện vật, ảnh và mô hình trình diễn Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hết sức đơn điệu...
Tuần Sơn
Gửi bình luận