Chợ “Ma Phường” ở Hồ Tây
Chợ họp trên mảnh đất “lắm người, nhiều ma”
Chợ Bưởi xưa (hay còn gọi chợ Ma Phường) nằm ở vị trí đặc biệt quan trọng nối cả một vùng nông thôn rộng lớn phía Bắc Hà thành với khoảng chừng 60 phường hội của Thăng Long.Từ lâu đời chợ Bưởi đã trở thành một điểm nút giao lưu kinh tế quan trọng bậc nhất ở Thăng Long, gắn liền với sự phát triển văn hóa- xã hội của kinh thành ngay từ ngày đầu xây dựng.
Các cụ cao niên trong làng cho biết, từ những thế kỷ thứ 5, lúc “chào đời”, chợ Bưởi họp trên một bãi đất rộng thuộc phường Tích Ma. Tương truyền, bãi đất đó vốn là một bãi tha ma hoang vu chạy dài từ ngã ba sông Tô Lịch đến đền Đông Cổ thuộc thôn Đông. Bên cạnh bãi tha ma đó có một bãi đất tự dưng nổi lên do hai dòng sông Tô Lịch và Thiên Phù hợp lưu tạo thành.
Người ta lấn hết cả bãi tha ma, nghĩa địa của phường Tích Ma để họp chợ nên mới có tên chợ là chợ “Ma Phường”. Sở dĩ, chợ “Ma Phường” còn gọi là chợ Bưởi là do thời xưa bưởi được chở về đây rất nhiều rồi rơi rớt mọc thành một bãi bưởi xanh tốt và người ta đã gọi nó là chợ Bưởi.
Chợ họp mỗi tháng sáu phiên vào các ngày 2, 14, 24 và 9, 19, 29.Bãi Bưởi trở thành nơi bán gia súc, gia cầm, hoa quả và lương thực.Cảnh chợ trên bến, dưới thuyền đông đúc và tấp nập.Ngoài khách trao đổi, buôn bán còn có cả những khách đến chơi với đầy đủ các tầng lớp trẻ già, trai gái. Dân làng có câu thơ: “Nhất vui là chợ Ma Phường/Lắm hàng, mọi chốn tìm đuờng đến mua”.
Cũng theo các cụ cao niên trong làng Yên Thái, vào thời xa xưa, ở Ma Phường những đêm tối trời tại Bãi Đống Ma cạnh chợ thường xuất hiện những khối ánh sáng nhỏ bay chập chờn trên mặt đất dăm bảy phút rồi tắt. Sau đó lại phụt lên rồi lại biến mất như kiểu ma quỷ mà người ta quen gọi nó là ma trơi.Theo những người mê tín này dường như có cả những người dưới âm phủ cùng lên họp chợ với người trần. Họ dắt díu nhau lên, đi lại, trà trộn cùng người nên có câu: “Trẻ già, trai gái vợ chồng dắt nhau mất hút vào thinh không”.
Bà Nguyễn Thị Thơm (làng Yên Thái) bán hàng xén mộc mạc nói: “Tất cả mọi người ở đây đều biết mình đang làm ăn, sinh sống trên mảnh đất linh thiêng. Thế nhưng lòng mình thành, tâm mình trong thì không có gì phải sợ”.
Sầm uất chợ Ma giữa chốn dương gian
Chợ Ma Phường (Bưởi) ra vào khá dễ dàng vì có không gian rộng, lại nhiều hàng hóa với đủ loại giá tùy theo túi tiền của từng người. Người bán ăn nói nhiệt tình, quý khách và thật thà. Họ gọi khách bằng “mình”, xưng “tôi” đầy thân thiện, mộc mạc.Ngoài “lai lịch” độc đáo của chợ, thì đây là những điểm lôi cuốn bất cứ ai tới mua bán ở chợ.
Năm 1905, quan Tổng đốc Hà Đông- Hoàng Trọng Phu lúc bấy giờ đã cho xây dựng hai lô ngoài của chợ Bưởi bằng bê tông cốt thép từ cột lên tận mái nhà. Để đảm bảo độ thoáng và ánh sáng, mái của chợ đã được đổ hai tầng theo kiểu chồng diêm khá đẹp. Sau khi xây chợ xong thì một lô dùng cho các quầy hàng xén, vải vóc, tơ lụa còn một lô thì dùng cho việc buôn bán các hàng cồng kềnh, hỗn tạp như quang gánh, mũ nón, đồ sắt, rổ rá, nồi niêu… Phía ngoài chợ, khu bãi Bưởi bên kia bờ sông Tô Lịch vẫn giữ nguyên là chỗ bán trâu bò, gà lợn, chó mèo. Đặc biệt, phiên mua bán trâu bò, chó mèo được định kỳ hàng tháng vào 3 ngày 9,19,29. Người buôn bán ở các tỉnh xa Phú Thọ, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang có dịp về “hội tụ” khu chợ Ma Phường này.
Ngoài nhu cầu sức kéo và chăn nuôi cho các huyện ngoại thành, kinh đô Thăng Long cũng là nơi cung cấp nhiều thực phẩm tươi sống cho vua chúa, quan lại, cho tế lễ, hội hè, đình đám, khao vọng…
Thú vị hơn, chợ Bưởi là nơi tiêu thụ nhiều sản phẩm lao động của bà con Yên Thái góp phần không nhỏ trong việc cải thiện đời sống của làng. Là một làng làm giấy dó nổi tiếng, công việc bán giấy là rất quan trọng. Giấy dó được bán ở các phiên chính và phiên thường. Người bán giấy dó thường ngồi ở chợ chứ không mang đến nhà và cũng ít bán tại nhà.
Cho đến nay, chợ Bưởi vẫn là một cái chợ dân gian mặc dù xung quanh (và cả trong chợ) đã có nhiều quầy hàng, cửa hàng lộng lẫy với các loại hàng hiện đại, đắt tiền nhưng nếu nhìn thật kỹ thì tính chất của một khu chợ nông thôn cận thành vẫn chưa thay đổi bao nhiêu.
Hàng hóa ở đây chủ yếu vẫn là hàng bình dân, “thượng vàng, hạ cám” cái gì cũng có, vào mua lúc nào cũng được. Cần nắm lá xông, quả chanh, xâu cua, cân ốc, cái kim, sợi chỉ… thì ghé chân vào chợ một tí là có. Nếu cần thì người mua, kẻ bán cứ dắt tuốt cả xe vào chợ, xong việc lại lách ra chứ không phải phải gửi gắm gì. Chính vì vậy mà chợ Bưởi rất đông, rất nhộn nhịp.Người mua, kẻ bán đã đành, có người không mua bán gì cũng vào chợ xem một tí.
Các phiên chợ ngày thường luôn đầy ắp hàng hóa từ khắp nơi đưa về. Có cả những của ngon vật lạ như bánh dày Quán Gánh, bánh cuốn Thanh Trì, cá rô đầm Sét, cua ốc Hồ Tây, sâm cầm Quảng Bá, cà cuống Tây Hồ, cốm vòng Dịch Vọng, hồng xiêm Xuân Đỉnh, mạch nha An Phú, cây cảnh Nhật Tân… Chỉ có ai muốn mua bán trâu bò hoặc chó mèo thì mới phải chờ đến các phiên chợ chính để mà kén chọn cho vừa ý.
Những phiên chợ độc đáo với từng tên gọi “phiên trâu bò”, phiên “chó mèo”… đã làm nên một Ma Phường rất riêng, đầy thú vị, hiếm có ở đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Thùy Dương
Gửi bình luận