Campuchia - Xứ sở nụ cười, kỳ 2
Kỳ 2: Quá khứ đau thương, đầy nước mắt
3. Cánh đồng chết
Nói đến đất nước Campuchia, dù là đã gần 40 năm mà có lẽ vài trăm năm nữa cũng không thể không nhắc đến tai họa khủng khiếp của nạn diệt chủng. Anh Tạ Bảo, người bạn mà tôi đã quen thân từ những năm 1959 – 1960 khi anh còn làm ở báo Tiền Phong, sau anh là Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Niên được Trung ương điều sang giúp Campuchia hồi sinh như tôi đã nhắc ở đầu bài, trong sổ tay của anh đầy dẫy những ghi chép cảnh đau thương của những gia đình nạn nhân. Tôi đọc tư liệu anh ghi mà lòng cứ xót xa, bàng hoàng. Khơ me Đỏ mà hiện thân là bọn ăngka (cấp lãnh đạo) và bọn dôthia (lính), chúng đã thực hiện hành động dã man có một không hai của nhân loại. Ngay khi chiếm được Phnôm Pênh chúng cấp tốc lùa toàn bộ dân Phnôm Pênh ra khỏi thành phố. Đường phố như một sông người lặng lẽ đi theo bọn ăngka, bọn dôthia. Thành phố có hai triệu người nhưng chỉ trong mấy ngày đã bị lùa đi hết. Hai vạn nạn nhân chiến tranh, bị thương tật bị bom đạn Mỹ đang cấp cứu trong bệnh viện cũng bị lùa ra đường, người gãy chân bó bột không đi được thì bị giết chết tại chỗ, phụ nữ mới sinh vài giờ cũng phải ra đi… Sứ quán các nước, trừ sứ quán Trung Quốc, tất cả đều phải đóng cửa và rời ngay khỏi Campuchia. Sân bay đóng cửa, Đại sứ, nhân viên sứ quán, các nhà ngoại giao phải ngồi xe tải ra biên giới Thái Lan.
Cánh đồng chết Choeung-Ek-min
Chỉ sau mấy ngày, Phnôm Pênh vắng lặng, không một bóng người. Khơ me Đỏ đóng cửa với thế giới bên ngoài, đất nước không có chợ búa, tiền tệ bị hủy bỏ, chùa chiền, nhà thờ bị đập phá, sư sãi cũng ra đi. Tất cả đều dồn vào các “công xã”, các trại tập trung và một cuộc thanh trừng bắt đầu: Ai là trí thức, là người có học, có nghề sẽ bị đập đầu, vứt xác trước tiên. Phnôm Pênh trở thành thành phố chết, thành phố ma hoang tàn. Người dân Campuchia từ đây không được nói, không được cười, và cũng không được khóc. Họ chỉ có một việc cúi đầu tuân lệnh của bọn dôthia, bọn ăngka và chờ cái chết đang đến từ phía sau lưng. Trong sổ tay của anh Tạ Bảo có những con số đọc lên đã thấy ghê người:
“Sổ cái nhà tù Stung len (mật danh là trại S21) ghi:
Ngày 6 tháng 8 năm 1976 giết 100 người
Ngày 21 tháng 8 năm 1976 giết 191 người
Ngày 11 tháng 11 năm 1978 giết 1.000 người Cộng trong 8 tháng đã giết: 4.291 người”.
Anh còn ghi cách lấy máu người của bọn Pôn Pốt, chúng trói người vào giường và lấy máu, lấy hết sạch cả máu trong người và người “cho” máu phải chết. Ba trăm trí thức Campuchia từ Pháp về, bọn Khơ me Đỏ đón tiếp hoan hỉ ở sân bay, nhưng rồi một ngày sau chúng giết chết họ. Chúng còn giở trò thí nghiệm không hiểu để làm gì nhưng trong một sổ lưu ở nhà tù S21 đọc được có đoạn “các xác ngâm nước, nếu xác hai tay bị trói quặt ra sau thì khi nổi lên sẽ nằm ngửa. Xác không bị trói khi nổi sẽ nằm sấp” (?). Tôi nổi da gà khi đọc đến đoạn bọn ăngka mỗi tên lấy cả ngàn cái mật người. Ngày trước khi đọc thư Cà Mau của nhà văn Anh Đức tả về hành vi mổ bụng moi gan người để uống rượu của bọn đao phủ Nguyễn Lạc Hóa ở Cà Mau đã thấy vô cùng khủng khiếp. Bây giờ, ở xứ chùa tháp này chúng lấy gan, lấy mật người chuyên nghiệp và rùng rợn hơn nhiều. Mỗi tên có một lưỡi dao rất mỏng, muốn lấy mật chúng trói hai tay trước bụng rồi bắt khom lưng, muốn lấy gan thì trói hai tay ra sau lưng rồi bắt đứng ưỡn ngực, chúng đâm nhẹ bên hông bằng lưỡi dao rất mỏng đó để móc lấy gan, lấy mật… Chúng cắt vú con gái để xông khói làm đồ nhậu… Không hiểu trên trái đất này có nơi nào có những tên đao phủ, những tên ăn thịt người, những tên giết người diệt chủng man rợ hơn không?
* * *
Chúng tôi theo chân các bạn Campuchia ra thăm cánh đồng Choeung Ek cách Phnôm Pênh mười bốn cây số giữa năm 1980.
Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng thủ đô Phnom Penh, nơi lưu giữ tội ác của quân Khmer Đỏ trong giai đoạn từ 1975 -1979
Một cảnh hãi hùng hiện ra trước mắt, các hố chôn người được đào lên. Ngày ấy chỉ mới đào vài chục hố, đâu đâu cũng thấy đầu lâu, sọ người, xương người. Sau này người ta thống kê trên cánh đồng cây ăn trái này có đến 20.000 người bị đập chết vùi thây ở đây. Khi khai quật lên, chính quyền xác định có hố 100 xác trẻ sơ sinh, hố người bị giết vùi xác lớn nhất là 450 người, có hố 166 xác không đầu (?). Sau này chính quyền cắm những cái bảng như vậy, làm người thăm viếng đọc lên thấy nao cả lòng. Ngày chúng tôi đến Choeung Ek tất cả đều tan hoang, xương, sọ chất ngổn ngang trên miệng hố. Một tốp người vẫn tiếp tục khai quật. Mùi tanh hôi, thối, một âm khí đến lạnh người bao phủ một vùng đất trời vốn là vườn cây ăn trái. Tôi gặp ở đây một người đàn ông còn sống sau nạn diệt chủng, ông đang ngồi chọn từng cái đầu lâu để xem có tìm ra được con mình không? Ông có một con trai lớn và một người con gái bị giết ở đây. Tôi hỏi ông có đặc điểm hay vết tích gì để giúp ông nhận ra con mình không? Ông lắc đầu: “chỉ linh cảm thôi”. Và ông nói: tôi nghĩ rằng khi tôi chọn đúng đầu của nó, thì oan hồn của con tôi sẽ báo “con đây”. Ông nói trong hai dòng nước mắt chảy ròng. Tôi nhìn thấy bên một miếng hố có đôi dép trẻ con và mấy cái hộp sọ nho nhỏ cỡ 10 tuổi trở lại. Ở một góc khác là một hộp sọ có bệt tóc dài và gần đó là một cây lược nhựa. Tôi nhìn chăm chú vào mảng tóc đen và bỗng trước mặt tôi hiện lên hình ảnh tiết mục múa Apsara ở hội trường bốn mặt mà tôi đã được xem. Các nữ nghệ sĩ với vóc dáng yêu kiều, bàn chân nhẹ nhàng lướt trên sân khấu và nụ cười duyên dáng quyến rũ. Ôi mái tóc này có phải của một nghệ sĩ Apsara ngày đó. Có thể lắm, bởi các nghệ sĩ múa, nếu không chạy thoát được thì đó là đối tượng bị hãm hiếp và bị giết chết trước tiên. Pôn Pốt gọi “Văn hóa là loại xa xỉ” (?). Ở đây và ở nhà tù S21 có tấm biển: “No Smile” (không cười). Thật đau lòng khi đến xứ sở nụ cười phải đọc dòng chữ này. Nhưng có lẽ cũng không cần có nó, vì ai có thể cười được trước những cảnh đau thương như thế này.
Chỉ có 1.355 ngày (từ 17/4/1975 đến 7/1/1979) dưới bàn tay của bọn quỉ ăn thịt người “Khơ me Đỏ” chúng đã giết chết ba triệu người dân vô tội, gần một nửa dân số Campuchia. Và gần như tất cả lớp trí thức trong tay chúng bị tiêu diệt sạch. Chúng đưa Campuchia trở thành địa ngục của thế kỷ 20. Tôi bấm máy chụp hình ảnh các hộp sọ xếp liền nhau. Không có sọ nào ngậm miệng lại, tất cả đều mở to ra như muốn thét gào, muốn la thật to để gởi đến địa cầu một lời kêu: “Hỡi loài người, hỡi nhân loại, hãy cảnh giác bọn diệt chủng”.
Ký của Trình Quang Phú
Gửi bình luận