“Báu vật khảo cổ học Việt Nam”
Ngày 12/4 tại số 1 Tràng Tiền, Hà Nôi, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam phối hợp cùng 7 bảo tàng, ban quản lý di tích trên cả nước cùng các đối tác CHLB Đức tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam”.
Đây là hoạt động nhằm giới thiệu những thành tựu của chính các nhà khảo cổ học Việt Nam đã đạt được trong 60 năm qua, đặc biệt là giới thiệu những kết quả khảo cổ học đã đạt được bởi sự hợp tác giữa CHLB Đức và Việt Nam trên lĩnh vực khảo cổ.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL- TS Đặng Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia- GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam- Đại sứ Phạm Sanh Châu, lãnh đạo Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, đông đảo các nhà khoa học, khách quốc tế đã tham dự.
Các đại biểu tham quan trưng bày.
Trưng bày chuyên đề “Báu vật Khảo cổ học Việt Nam” giới thiệu gần 300 hiện vật khảo cổ học tiêu biểu từ thời iền sử đến thế kỷ 17 - 18 trên mọi miền đất nước được lựa chọn, nhằm giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước về lịch sử, văn hóa Việt Nam thông Tqua những thành tựu nghiên cứu của Khảo cổ học.
Trưng bày gồm 3 nội dung chính: “ Báu vật Khảo cổ học thời tiền sử”; “ Báu vật khảo cổ học thời đại Kim khí”; “ Báu vật khảo cổ học thời kỳ lịch sử”. Trong đó, với chuyên đề “Báu vật khảo cổ học thời tiền sử Việt Nam” giới thiệu những hiện vật như rìu tay bằng đá di chỉ Núi Đọ (Thanh Hóa), thuộc thời đại Đá cũ; Những công cụ đá điển hình của văn hóa Hòa Bình như: công cụ hình đĩa, rìu ngắn, công cụ 1/4 cuội tìm thấy tại hang Muối - Hòa Bình năm 1965; Phác vật rìu di chỉ Núi Voi (Đông Sơn - Thanh Hóa), sưu tầm năm 1965; Công cụ chặt di chỉ Gò Rừng Sậu (Sơn Vi - Phú Thọ), Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) khai quật năm 1969.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL-TS Đặng Thị Bích Liên trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp VHTTDL cho các nhà khoa học quốc tế.
Điểm nhấn của trưng bày lần này sẽ là chuyên đề “Khảo cổ học thời kỳ lịch sử” đưa người xem trải nghiệm một hành trình lịch sử từ các báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên đến các báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến Việt Nam. Trong đó, với báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên là các hiện vật được tìm thấy trong những ngôi mộ gạch thế kỷ 1 - 3, những chứng tích của các cuộc nổi dậy chống phong kiến phương Bắc, chứng minh những yếu tố văn hóa Đông Sơn truyền thống vẫn được bảo tồn, phát triển bên cạnh sự giao lưu, tiếp nhận những thành tố văn hóa mới. Tiêu biểu mô hình nhà, mô hình bếp lò bằng đất nung, được tìm thấy tại Thiệu Dương - Thanh Hóa, Nghi Vệ - Bắc Ninh, Cầu Giấy – Hà Nội. Cũng tại phần trưng bày này, các báu vật Chăm pa và di sản vản hóa thế giới Mỹ Sơn cũng được giới thiệu với những tác phẩm điêu khác đá với thể khối lớn thuộc các phong cách Trà Kiệu- Quảng Nam, Tháp Mẫm- Bình Định như Sư tử đá, Garuda, asura sinh ra từ miệng Makara, Phù điêu tu sĩ, bia Ponaga và điểm nhấn kết thúc hành trình khám phá là các báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến Việt Nam. Đặc biệt giới thiệu những hiện vật tìm thấy tại 2 trung tâm di sản văn hóa thế giới là thành nhà Hồ (Thanh Hóa) và Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội)…; Giới thiệu những hiện vật gốm Chu Đậu (thế kỷ XV-XVI), đồ thủy thủ đoàn khai quật từ con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm năm 1997-1999…
Bảo tàng lịch sử quốc gia VN tiếp nhận bức tranh “Bác Hồ trên đỉnh núi Trường Lệ” (của họa sĩ Hoàng Hoa Mai) do nhà sưu tập hiến tặng.
Trưng bày sẽ kéo dài đến hết tháng 7/2018.
Tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL – TS Đặng Thị Bích Liên đã trao tặng Bằng khen của Bộ VHTTDL cho TSKH. Lee Gwi Young- Giám đốc Viện nghiên cứu Di sản Văn hóa biển quốc gia Hàn Quốc; trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp VHTTDL cho các nhà khoa học, nghiên cứu Di sản Văn hóa quốc gia Hàn Quốc và Viện Khảo cổ học quốc gia CHLB Đức đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quan hệ hợp tác, bảo tồn , phát huy giá trị Di sản Văn hóa Việt Nam. Đồng thời, Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa biển quốc gia Hàn Quốc cũng đã trao tặng Bằng khen cho Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam- TS Nguyễn Văn Cường.
Khách quốc tế tham quan trưng bày.
Cũng tại lễ khai mạc, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã tiến hành tiếp nhận tài liệu, hiện vật do 3 nhà sưu tập, cộng tác viên hiến tặng.
Tuấn Sơn
Gửi bình luận